Người chọn nghề hay nghề chọn người?

Tôi có chị bạn học Đại Học Nhân Văn, tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ Học loại Khá nhưng có niềm đam mê với lập trình web, với những dãy code dài loằng ngoằng dãy xanh dãy đỏ… chị đã nộp đơn ứng tuyển vào công ty phần mềm FPTd ở vị trí nhân viên lập trình phần mềm. Sau 2 năm làm việc, cùng với sự tận tâm trong công việc, chị đã đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực mà chị yêu thích.

Chuyện người chọn nghề hay nghề chọn người vẫn còn là một câu hỏi bí ẩn mà mỗi người là một đáp án. Có rất nhiều người thành công ở những lĩnh vực không phải chuyên ngành học. Ví dụ như một người học ngành Tài chính – Ngân hàng, nhưng sau nhiều năm làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, ở những vị trí khác nhau lại thấy mình thích hợp trong công việc của bộ phận chăm sóc, quản lý khách hàng…

Chọn lựa nghề nghiệp là một cuộc hành trình dài đăng đẳng. Điều quan trọng nhất không phải là kết quả, mà là quá trình khi chúng ta đi tìm nó. Một khi bạn khám phá được khả năng và sở thích của bản thân, con đường ấy tự dưng sẽ hiện ra trước mặt.

 

 

Khi một người chọn lựa nghề nghiệp, sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như hoàn cảnh gia đình, mong đợi của cha mẹ, phong trào của xã hội, nền kinh tế của quốc gia… Do đó, sẽ rất đúng ở trường hợp này để nói rằng họ không có quyền kiểm soát được việc lựa chọn nghề nghiệp họ yêu thích và phù hợp với họ.

Nên hiểu, công việc đầu tiên không phải là công việc cuối cùng của bạn. Vì vậy, bạn đừng quá lo lắng khi không làm được đúng ngành hay cảm thấy mình đã chọn sai ngành dù đang làm việc đúng chuyên ngành học. Ta hãy cứ “Chọn nghề trước” và chính điều đó cho ta thấy “Mình đã chọn nghề với một quyết định đúng hay quyết định sai đó đã dẫn ta tới 1 nghề khác mà ta thực sự muốn .”

Thiết nghĩ, việc nghề chọn mình hay mình chọn nghề đều có sự tham gia của cả 2 phía, ngay cả khi “nghề chọn mình” thì mình cũng có sự chủ động tiến đến nó thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng và sáng tỏ hơn. Có thể liên tưởng hành trình tìm cái nghề cái nghiệp phù hợp giống như tìm bạn đời vậy. Có người có tiếng sét ái tình, 2 bên yêu nhau thắm thiết thì may mắn ăn đời ở kiếp với nhau (ấy là cả 2 cùng chọn nhau), cũng có người “đa tình” (nhiều khi trong trường hợp công việc sẽ là đa tài nên thành ra đa đoan) thì qua dăm bảy người yêu sẽ tìm ra người tạm coi là phù hợp nhất, có người ngỡ tìm được bạn đời rồi một thời gian sau ngỡ ngàng nhận ra hình như mình thương cô kia hơn… Như vậy quan trọng nhất là phải chủ động, dấn thân, trải nghiệm nhiều thì mới mong có được đáp án chính xác!

Người chọn nghề hay nghề chọn người? Tuy hai mà một! Điều quan trọng nhất, như suy nghĩ thực tế của giới trẻ bây giờ, “phải biết mình là ai”. Hãy tự khám phá và đánh giá đúng năng lực – giá trị bản thân, suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi chọn nghề.

Đừng để nghề nghiệp dẫn mình đi một cách mù quáng, bởi chọn không đúng nghề là đặt mình vào một tương lai bấp bênh. Tuy nhiên, sai lầm trong việc chọn nghề nghiệp – theo cách nghĩ lạc quan, có khi lại là những trải nghiệm hữu ích cho bạn trong cuộc sống bởi rất nhiều người tìm được công việc phù hợp với mình sau nhiều trải nghiệm, học hỏi, vấp ngã, va chạm. Nói cách khác, những công việc trước là tiền đề để hình thành kỹ năng, tính cách, phong thái phù hợp cho những công việc sau. Nếu bạn rút được kinh nghiệm từ thất bại, nhận thức đúng đắn về bản thân và quyết tâm bắt đầu lại, bạn sẽ là người chiến thắng!

Đôi lúc là nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề, có thể khi định hướng đại học sẽ là một ngành nghề này, nhưng đến khi ra trường, vì một cơ duyên hay sự thay đổi nào đó lại làm một công việc khác. Tuy khởi đầu chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn, nhưng hãy từng bước vượt qua bằng nhiều cách khác nhau. Học hỏi và tích lũy, có ngày sẽ mang đến thành công!

 

Theo http://agecode.co.jp